Nội dung: Stuart Shepard - một kẻ chuyên môi giới cho những cô diễn viên trẻ nhưng thực chất chỉ là lợi dụng các cô gái đó để thỏa mãn nhu cầu của hắn. Như mọi ngày, hắn đều vào bốt điện thoại đường 53 để gọi điện cho Pam - một cô gái trẻ bị hắn lợi dụng nhưng ngày hôm ấy, cũng tại bốt điện thoại đó, có một kẻ nặc danh gọi điện cho hắn, và dần dần mọi chuyện hé lộ...
Một bộ phim thuộc thể loại Mystery - một con dao 2 lưỡi, nếu kịch bản không chặt chẽ thì chắc chắn sẽ làm tụt hết cảm xúc của khán giả nhưng rất may Phone Booth sở hữu kịch bản rất chặt chẽ, cuốn hút từ đầu đến cuối. Ban đầu, ta sẽ không thể hiểu được mục đích của tên này là gì khi khủng bố Stu, nhưng dần dần ta hiểu rõ tất cả những việc làm của hắn chính là để kẻ làm những việc giả dối như Stu biết được giá trị của sự thật trong cuộc sống. Đối với một phim Mystery, plot - twist là một yếu tố tạo nên thành công, nhưng phim này thì twist quá quen thuộc với hầu hết khán giả nhưng cái mà nó làm được là truyền tải ý nghĩa quan trọng của cả bộ phim.
Diễn xuất/Nhân vật: Colin Farrell là một diễn viên có thực lực trong Hollywood nhưng đúng là "lắm tài nhiều tật", sự nghiệp diễn xuất của anh nổi lên nhờ tai tiếng nhiều hơn, tuy nhiên nếu không lên bằng scandal tôi tin chắc rằng Colin vẫn sẽ nổi tiếng chính nhờ thực lực của mình. Trong Phone Booth, anh hóa thân thành Stuart, kẻ môi giới lừa đảo, lợi dụng sự ngây thơ của các cô gái muốn tìm đường tiến thân để lên giường với họ dù hắn đã có một người vợ xinh đẹp. Trong lần này, hắn hẹn hò với cô gái trẻ Pam, cũng với mục đích tương tự; hắn thường trò chuyện với cô gái qua cái bốt điện thoại nhằm để che giấu vợ mình nhưng lần này không như những lần trước, tiếng điện thoại reng lên, nhưng đầu dây bên kia không phải là cô gái mà là một kẻ lạ mặt, hay được gọi là The Caller. Hắn bị đe dọa. Ban đầu không ai rõ tên kia có ý đồ gì khi muốn giữ chân Stu trong cái bốt điện thoại. Nhưng dần dần mục đích của hắn cũng lộ rõ. Hắn muốn chỉ ra được bản chất dối trá trong Stu, trong cả hôn nhân, nghề nghiệp và muốn trừng phạt Stu. Những đoạn Stu sợ hãi, hồi hộp hay bất ngờ vì bị nắm thóp, tất cả đểu được Colin Farrell biểu hiện một cách chân thật. Stuart Shepard là loại người đầy rẫy trong xã hội ngày nay: thực dụng, láu cá, kiêu ngạo, dẫm đạp lên người khác để đi tiếp.
Colin Farrell góp phần rất lớn trong thành công của phim khi hóa thân thành Stuart Shepard
Và để "dạy dỗ" những tên như Stu thì cần có người như tay The Caller. Dù chỉ diễn xuất qua giọng nói và chỉ xuất hiện một đoạn nhỏ vào vài giây cuối nhưng Kiefer Sutherland đã thể hiện được độ nguy hiểm của mình. Không ai biết hắn đến từ đâu, làm nghề gì nhưng mục đích của hắn thì ai cũng rõ - giết những kẻ luôn luôn nói dối và lừa gạt người khác, nhất là những tên làm trong ngành giải trí. Ban đầu xem phim, tôi nghĩ hắn hơi bệnh hoạn, khi không rãnh rỗi đi lo chuyện bao đồng nhưng càng xem, càng thấy mục đích của hắn rất đúng đắn. Xã hội ngày nay cần những người như hắn để dọn sạch "rác". Hắn là hiện thân quan trọng của việc thực thi "công lý" của bộ phim nên hắn "phải sống" để là nỗi ám ảnh với những "con mồi" như Stu.
The Caller - một kẻ nguy hiểm, hiện thân của "công lí" trong bộ phim
Trong phim còn có sự xuất hiện của kiều nữ Katie Holmes nhưng vai trò của cô chả có gì ngoài làm nền cho bộ phim.
Còn Radha Mitchell trong vai người vợ của Stu. Cô chỉ đóng tròn vai, chẳng có điểm nhấn gì đáng kể.
Ngoài ra, có một nhân vật mà tôi cũng thấy khá thích có lẽ là tay cảnh sát Ramey do Forest Whitaker thủ vai, một cảnh sát "tốt" về nghiệp vụ, tôi chỉ nói về nghiệp vụ chứ không phải về nhân cách. Tay này biết quan sát, phán đoán, biết được khi nào nên chủ động khi nào nên bị động, dù bị The Caller gián tiếp khích tướng nhưng vẫn bình tĩnh chứ không manh động. Một cảnh sát rất đáng mặt cảnh sát, một sếp rất da dáng sếp.
Nhưng nhân vật mà tôi ghét thực sự chính là bọn gái điếm và tên bảo kê, những nhân vật này làm tôi mệt mỏi thực sự. Nhất là bọn gái điếm, dù không nhìn thấy người ta cầm súng vẫn vu khống, bọn này cũng chính là đại diện cho dư luận, dùng lời nói để tạo sức ép lên người khác.
Nói chung, cả bộ phim chỉ có 2 nhân vật chính là giọng nói của The Caller và Stu.
Hình ảnh/Âm nhạc: Màu sắc bộ phim khá tối, tạo bầu không khí căng thẳng đúng tính chất phim. Cảnh thành phố New York nhôn nhịp, tấp nập nhưng vô tâm được thể hiện rõ qua từng góc quay. Còn về phần âm nhạc cũng không quá nổi bật, cũng chỉ là những bài nhạc đặc trưng cho dòng Mystery và đa số âm thanh trong phim toàn là tiếng người nói.
Khuyết điểm: Có một điều đáng nói là đoạn cuối tôi thấy Stu đúng là quá NGU, chưa bắt được hung thủ mà đã "bứt dây động rừng", làm hắn kịp chuẩn bị. Nhưng chắc có lẽ hắn cũng đã có phương án dự phòng rồi. Dù sao thì đây cũng không phải là lỗi đáng kể. Với lại dù là Mystery nhưng có vẻ như cốt truyện phim cũng quá đỗi quen thuộc với đa số khán giả (có lẽ với khán giả thời đó vẫn nhiều bất ngờ), cần tạo thêm một số kịch tính nữa để cho phim hay hơn, đúng chất hơn.
Kết luận: Đây là bộ phim đáng coi, đối với những ai thích những phim có ý nghĩa, diễn xuất tốt, không khí hơi hồi hộp nhưng nếu muốn tìm kiếm plot - twist thì phim này không phù hợp.
Một số Travia của phim:
+Cảnh Stu thú tội thực ra được quay ngay từ đầu.
+Michael Bay từng được xem xét làm đạo diễn phim nhưng khi gặp nhà sản xuất và biên kịch, ông hỏi: "Làm thế nào để đưa anh ta ra khỏi bốt điện thoại?"
+Những sự kiện trong phim diễn ra theo thời gian thực.
+Khi the Caller đe dọa Stu: "Mày có thể ăn 41 viên đạn chỉ vì lấy ví ra". Câu nói này tái hiện lại vụ việc bắn nhầm Amadou Diallo của cảnh sát Mỹ, khi lầm tưởng anh ta là kẻ cưỡng hiếp hàng loạt vì trông ngoại hình anh ta rất giống tên tội phạm. Amadou định rút ví ra để đưa ID chứng minh nhưng cảnh sát tưởng anh rút súng. Hậu quả thì ai cũng rõ.
+Chiếc điện thoại thực sự hoạt động nhưng giọng nói bên kia không phải của the Caller, giọng của Kiefer Sutherland được lồng vào sau đó.
+Dàn diễn viên phụ không đọc kịch bản (mấy người đóng gái điếm, tên du côn,...), diễn xuất của họ hoàn toàn tự nhiên.
+Thập niên 60, nhà biên kịch Larry Cohen từng đề nghị với Alfred Hitchcock về ý tưởng làm một bộ phim mà tất cả cảnh quay chỉ trong một bốt điện thoại. Hitchcock rất thích ý tưởng này nhưng ông và Cohen không thể tìm được nội dung cho một bộ phim chỉ bó gọn trong một bốt điện thoại. Đến thập niên 90, ý tưởng về tay bắn tỉa được Cohen phát hiện và ông hoàn thành kịch bản chưa đầy 1 tháng.
+Đáng lẽ cái kết của phim là: Stu bước ra khỏi bốt điện thoại và bắn lên cửa sổ của những tòa nhà, một viện cảnh sát nổ súng, Stu bị dính đạn cao su rồi ngã xuống. Ramsey tiến lại bốt điện thoại rồi cầm điện thoại lên nghe. Đội SWAT tiến vào phòng và bắn hạ The Caller. Kết thúc là Ramsey muốn nghe lời trăn trối cuối cùng của The Caller, hắn nói (nhắm đến Stu): "Nhưng mày sẽ không bao giờ quên tao. Tao đã cho mày một ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Cám ơn tao nào". Hắn tắt thở.
Những Quote của phim:
+The Caller: You hear a phone ring and it could be anybody. But a ringing phone has to be answered, doesn't it?
+The Caller: You're in this position because you're not telling the truth.
+Stu: No, I'm in this fucking position because YOU HAVE A GUN!
\
No comments:
Post a Comment