Thursday, August 6, 2015

Chronicle (2012)


Có bao giờ bạn tự hỏi nếu có siêu năng lực thì mình sẽ làm gì? Liệu có siêu năng lực có làm chúng ta vui hơn, hạnh phúc hơn hay chỉ đem lại cho chúng ta đau khổ và bi kịch? Chronicle sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho những câu hỏi trên.
Qua góc nhìn của những chiếc camera trong phim: camera của Andrew, camera chống trộm, camera của các nhà đài; chúng ta sẽ biết được toàn bộ diễn biến, cũng như hành trình tới tấn bi kịch của những con người dị biệt. Đầu tiên là Andrew, trước khi có siêu năng lực, cậu là một đứa ít nói, khó gần và thường xuyên bị trêu chọc, bắt nạt. Sau khi để dành tiền và sắm được chiếc camera, cậu quyết định dùng nó để quay toàn bộ cuộc sống xung quanh mình. Andrew có một người anh em họ là Matt, Matt là một người cũng khá nghiêm túc nhưng dễ gần hơn Andrew và chính cậu cũng là người bạn thân nhất của Andrew. Đồng hành cùng Matt và Andrew còn có Steve; ban đầu, Steve không thân với Andrew lắm nhưng sau khi cùng trở thành những dị nhân, họ đã trở nên thân thiết hơn. Và quá trình trở thành dị nhân của cả ba cũng rất bí ẩn: Trong một bữa tiệc của trường, Matt và Steve vô tình phát hiện được một cái hố ở một bãi đất trống, sau đó cả 2 cùng Andrew nhảy xuống hố để khám phá xem có gì bên trong, bỗng có một tia sáng lóa lên, cả 3 bất tỉnh và sau đó có siêu năng lực. Diễn biến của phim chia làm 2 phần: Phần đầu là nói về hành trình có siêu năng lực và sự thay đổi tính cách của Andrew, phần 2 là về cuộc chiến ác liệt của Matt và Andrew, đồng thời thể hiện cái nhìn của những người bình thường với những người dị biệt. Nhìn chung, phim này chỉ có 2 nhân vật chính là Andrew và Matt còn Steve chỉ là một nhân tố để thúc đẩy sâu thêm vào các mối quan hệ cũng như bước phát triển tâm lý của 2 nhân vật chính.



Ban đầu, Andrew là một thằng nhóc tự kỉ, không quan hệ với ai ngoài Matt, thường xuyên bị trêu chọc, bắt nạt. Gia đình của Andrew cũng rất bất hạnh: mẹ thì bệnh nặng, nằm liệt giường; cha thì suốt ngày say xỉn và chỉ biết đổ lỗi cho hai mẹ con khi không có tiền tiêu xài. Chính vì vậy, sau khi có siêu năng lực, cái nhìn của cậu với thế giới đã thay đổi. Khi không còn tiền mua thuốc cho mẹ, cậu đã sa đà dần, đi ăn cắp tại các cửa hàng, làm bị thương nhiều người. Nhưng trong quá trình ăn cắp, cậu bị tai nạn và phải nhập viện; cũng chính lúc này thì sự tức giận, căm hận của cậu đã lên cực điểm. Cha cậu vào viện, tưởng để thăm cậu, hóa ra chỉ trách móc cậu về cái chết của mẹ cậu; đúng là một người cha không ra gì. Và cũng chính vì ông ta, vì người nhà của mình mà Andrew đã quay mặt với "loài người". Thực tế, Andrew vốn đã không được chấp nhân từ khi chưa có năng lực, một phần là do bản tính tự kỉ của cậu, một phần là do những người xung quanh cậu vốn không chịu mở lòng để đưa một người lạc lối quay lại xã hội.



Matt - người anh em họ cũng là bạn thân nhất của Andrew. Matt nghiêm túc nhưng hòa đồng hơn Andrew nên có lẽ vì vậy mà chính Matt cũng khó có thể tiếp xúc với Andrew. Mặc dù cố quan tâm Andrew hơn nhưng Matt vẫn không thể vượt qua bức tường ngăn cách 2 người, có lẽ vì vậy mà họ xa lánh nhau dần. Đến lúc Andrew mất kiểm soát, Matt chính là người ra tay ngăn cản Andrew. Matt bảo Andrew dừng lại, đừng làm hại những người vô tội, rồi mọi chuyện sẽ ổn nhưng liệu có ổn thật không? Cả Matt và Andrew đều biết là cái xã hội này sẽ không chấp nhận những người dị biệt như 2 cậu, dù không bị giết thì cũng bị đem ra làm vật thí nghiệm. Chính vì vậy, chỉ có một giải pháp để ngăn chuyện này, đó là Andrew phải chết.



Giá trị chính của phim là bài học về sự quan tâm, đối xử của xã hội đối với những người "dị biệt" cũng như vai trò của gia đình là rất quan trọng trong hình thành nhân cách con người.




Tuesday, August 4, 2015

Stand By Me (1986)


   Thời thơ ấu, ai cũng có những người bạn thân. Có thể sau này sẽ không còn được gặp lại hay đã không còn như trước nhưng những kỷ niệm đó vẫn mãi trong tâm trí ta và Stand By Me chính là những bộ phim giúp ta khơi lại những hồi tưởng ấy.

   Dựa theo tiểu thuyết The Body của Stephen King, Stand By Me có cốt truyện cực kì đơn giản: Hành trình đi xem xác chết một cậu bé bị xe lửa đâm của 4 đứa nhóc: Gordie, Chris, Teddy và Vern. Cái cốt truyện cực đơn giản ấy mà hóa ra lại vô cùng tinh tế khi đã đưa được biết bao bài học về cuộc sống, về tình thương và trên hết chính là tình bạn.

   Gordie (Will Wheaton), nhân vật chính và cũng là người dẫn truyện của phim, là một cậu bé có niềm đam mê đối với văn chương nhưng không tự tin do sự không quan tâm của gia đình, đặc biệt là cha nó, chỉ có người anh Denny của nó rất mực thương em và luôn ủng hộ em mình phát triển món quà ấy. Nhưng điều không may xảy ra, Denny đột ngột qua đời, đã làm cái gia đình vốn tẻ nhạt nay lại còn ảm đạm hơn: mẹ nó không nói nửa lời còn cha thì luôn nhớ thương đứa con trai đầy tự hào Denny; bỏ qua sự quan tâm dành cho Gordie. Tuy nhiên, cái chết của Denny ảnh hưởng đến Gordie nhiều nhất. Nó đã bỏ quên niềm đam mê văn chương và rất buốn mỗi khi nghĩ đến anh mình. Đến đây có thể thấy sự ảnh hưởng của gia đình đến trẻ em là như thế nào, chính cha nó là người không ủng hộ con đường văn chương của nó, là người đã gián tiếp làm nó vứt bỏ niềm đam mê. Thế nhưng, đã có một người vực dậy niềm đam mê của nó và gián tiếp trở thành một "người anh" của Gordie. Chính là Chris (River Phoenix).

 Gordie, người dẫn chuyện và cũng là người thành công nhất trong cuộc sống về sau. Gordie do Will Wheaton thủ vai, được biết đến nhiều hơn qua trilogy kinh điển Star Wars.
Gordie: Văn vẻ quái gì, tớ không làm nhà văn đâu. Chuyện đó thật ngu ngốc và chỉ tổ phí thời gian.
Chris: Bố cậu nói thế thôi.
Gordie: Vớ vẩn.
Chris: Chẳng hề vớ vẩn.
Chris: Tớ biết bố cậu nghĩ nghĩ gì vầ cậu. Ông ta chẳng hề quan tâm tới cậu. Denny luôn là số một. Ông ta chỉ quan tâm tới ảnh, đừng thuyết phục tớ điều ngược lại. Cậu chỉ là một cậu thằng nhóc thôi, Gordie.
Gordie: Ôi trời, cám ơn bố.
Chris: Mình cũng ước mình là bố cậu. Nếu được thế, tớ sẽ chẳng để cậu nghĩ đến chuyện đi học nghề vớ vẩn. Đó là quà của Chúa, những câu chuyện cậu sáng tác ấy. Người nói: "Đây là quà của con. Cố giữ gìn nhé.". Trẻ con toàn làm mất đồ nếu không có người trông hộ. Nếu bố mẹ cậu không biết làm thế, để tớ làm cho.
 Một trong những phân cảnh ý nghĩa nhất phim, với diễn xuất tuyệt vời của River Phoenix, một diễn viên tài hoa bạc mệnh.

Sự quan tâm của Chris dành cho Gordie không chỉ đơn giản là của một người bạn, nói chính xác hơn là như một người anh. Chris là một đứa trẻ thuộc gia đình Chambers, vốn nổi tiếng bất hảo từ lâu, chính vì thế người ta cũng tự dán cho Chris cái nhãn "con nhà Chambers" và mặc sức mà phê phán. Nhưng không vì thế mà Chris chịu bằng lòng với số phận, nó luôn phấn đấu, luôn muốn mọi người nghĩ khác về mình. Trên cuộc hành trình, Chris như một người anh cả luôn trông chừng và động viên 3 người bạn còn lại. Chris tuy về ngoài trông bất cần, mạnh mẽ nhưng bên trong vẫn chứa đầy tình cảm và sự yếu đuối.
Chris đã tâm sự với Gordie về vụ lấy trộm sữa, và đó cũng là lúc chúng ta hiểu hơn về Chris, một cậu bé sống thật tâm và đầy tâm sự.
Chris: Chẳng ai hỏi có phải tớ lấy trộm tiền sữa không. Tớ chỉ có 3 ngày nghỉ.
Gordie: Cậu có lấy không?
Chris: Có. Cậu biết mà. Teddy cũng biết tớ lấy. Mọi người đều biết. Chắc cả Vern cũng biết. Có lẽ tớ hối hận và muốn trả lại tiền.
Gordie: Cậu đã trả lại tiền?
Chris: Chỉ có thể thôi. Có lẽ tớ nên đưa cho Bà Già Simons và kể mọi chuyện, tiền sẽ ở chỗ đó. Nhưng tớ vẫn có 3 ngày nghỉ vì nó không xuất hiện. Và có lẽ tuần tới, Bà Già Simons sẽ mặc 1 chiếc váy mới khi đến trường.
Gordie: Màu nâu và có chấm tròn.
Chris: Cứ cho là tớ lấy trộm tiền sữa, nhưng Bà Già Simons lại lấy trộm từ tớ. Giả sử tớ kể chuyện đó. Tớ, Chris Chambers, em của Eyeball Chambers. Cậu nghĩ ai sẽ tin chuyện đó chứ?
Gordie: Không ai cả.
Chris: Cậu có nghĩ con mụ đó sẽ làm thế nếu là mấy thằng đầu gấu ở The View lấy tiền?
Gordie: Không đâu.
Chris: Nhưng với tớ... Tớ chắc mụ đã để ý chiếc váy đó từ lâu rồi. Mụ nắm thời cơ và lấy thôi. Tớ thật ngu khi muốn trả lại. Tớ chỉ không ngờ... Không ngờ đó là giáo viên... Ai mà biết được chứ?

Quả đúng là trẻ con không có tội tình gì mà mọi thứ đều do người lớn gây ra và áp đặt lên chúng. Ngay cả giáo viên - một công việc đòi hỏi cái tâm, tình người mà cũng bị biến chất, bị mục rữa thối tha. Dù Chris sinh ra trong một gia đình không ra gì nhưng tâm hồn nó rất thiện, rất có tình người, hơn cả khối người tự cho mình là cao quý của xã hội ngoài kia. Và cuối cùng Chris đã đạt được ước mơ của mình, thi đậu đại học và trở thành luật sư nhưng có lẽ một người sống thật như Chris không thể hòa nhập với xã hội này. Cuộc đời Chris kết thúc bằng một bi kịch, làm người xem rất buồn. Không biết đây có phải là lời nguyền không khi chính diễn viên River Phoenix cũng đã chết vì đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ, làm thế giới mất đi một diễn viên đầy tiềm năng và để lại sự đau buồn cho biết bao người. 
Teddy, một thằng nhóc tính tình kì quái nhưng trên hết vẫn đối xử rất tốt với bạn bè, là người gặp nhiều trắc trở nhất trong cuộc sống sau này.

Trong tất cả lũ bạn của bạn, hẳn phải có một đứa hơi quái dị, Teddy (Corey Feldman) chính là một đứa bạn như vậy. Tính cách của Teddy là do ảnh hưởng của bố nó, một người lính từng tham chiến ở bãi biển Normandy, và sau khi tham chiến ông ta bị ám ảnh chiến tranh dẫn đến các hành động bạo lực, điển hình như việc gần như đốt tai của Teddy. Tuy vậy Teddy vẫn luôn kính trọng bố nó, khi nghe gã chủ khu phế liệu nói xấu cha mình, Teddy đã điên lên và muốn "ăn tươi nuốt sống" gã. Chính điều này của Teddy đã trái ngược hẳn với Gordie. Mặc dù tưng tửng là vậy nhưng Teddy vẫn là một đứa bạn tốt, là một người giải tỏa không khí căng thẳng trên cuộc hành trình, cùng với Vern.

Vern hay còn được gọi là Vern - O, thành viên "ngây thơ vô số tội" nhất trong đám, nhờ có nó mà chuyến phiêu lưu này trở nên thú vị hơn.

Vern (Jerry O'Connell) là đứa nghe được tin về cái xác và báo cho tụi bạn, có thể nói nhờ nó mới có cuộc phiêu lưu này. Vern là một đứa nhóc mập mạp, ngây thơ nhưng lại không hề trong sáng (nó đã xem tạp chí người lớn). Dù là "nguồn cơn" của cuộc phiêu lưu này nhưng Vern lại chính là đứa không muốn đi nhất, nó rất nhát gan và luôn bàn lui với ý kiến cả lũ. Dù nhát gan là vậy nhưng Vern lại nói rất nhiều, có lẽ nó là đứa nói nhiều nhất đám, cùng với Teddy, 2 đứa đã tạo ra câu thoại bất hủ của bộ phim.


Vern: Mighty Mouse đánh bại được Superman chứ?
Teddy: Gì thế, đồ gàn dở?
Vern: Tại sao không? Có lúc 1 tay cậu ta vác những 5 con voi.
Teddy: Cậu chẳng biết gì hết. Mighty Mouse là nhân vật hoạt hình. Còn Superman là người thực. Nhân vật
hoạt hình không thể đánh bại người thật.
Vern: Ừ, chắc cậu nói đúng.

Đây có lẽ là dòng thoại kinh điển trong lịch sử điện ảnh vì nó là một câu thoại biểu tượng của Stand By Me, nhắc đến Stand By Me người ta sẽ nhớ đến câu thoại này.

Không phải ngẫu nhiên đạo diễn Rob Reiner chọn cái tên Stand By Me cho bộ phim thay vì cái tên gốc The Body của tiểu thuyết, vì mục tiêu mà đạo diễn hướng tới không phải là việc tìm ra cái xác mà là sự thấu hiểu lẫn nhau của những đứa trẻ. Xuyên suốt bộ phim, ta được nghe giai điệu ca khúc Stand By Me của Ben. E. King rất nhẹ nhàng, thanh thản trong những trường đoạn hồi tưởng, những khung cảnh đẹp trong cuộc hành trình của 4 đứa. 

Hình ảnh trong phim rất đẹp, rất tươi mát vì gần như toàn bộ thời lượng phim được quay trong rừng. Hình ản đẹp nhất phim có lẽ là lúc một con hươu đứng lại nhìn Gordie, nó có một vẻ gì đó rất huyền ảo, rất nhẹ nhàng, rất dễ chịu. 





Tuy nhiên, do dựng từ tiểu thuyết của Stephen King nên chắc chắc phải có một vài cảnh ghê rợn, điển hình là cảnh Gordie và đám bạn sau khi đi qua một cái hồ bị đĩa bám đầy mình, và xui xẻo thay Gordie bị ngay chỗ hiểm. Lúc đó nó từ từ gỡ con đĩa ra với bàn tay đầy máu cùng cái nhìn ghê sợ của đám bạn.




Chung quy lại, Stand By Me là một bộ phim để cho mỗi chúng ta hồi tưởng lại những kỷ niệm của tuổi thơ, dù vui hay buồn nó cũng đều ảnh hưởng đến ta sau này. Có lẽ khi lớn lên ta và đám bạn không còn gặp lại nhau như những nhân vật trong phim, nhưng chắc chắn họ là những người bạn thân nhất của chúng ta dù có thế nào đi nữa. Cuối phim, Gordie đã kết thúc cuốn tiểu thuyết của mình với một câu đầy ý nghĩa:
Sau này tôi không có người bạn nào như những người bạn hồi tôi 12 tuổi. Chúa ơi, có ai không nhỉ?

Một số Travia của phim:
+Kiefer Sutherland đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng tại một địa điểm quay phim đã tổ chức Hội Chợ
Renaissanc, dàn diễn viên và cả ekip làm phim đều tham dự hội chợ và mua bánh cookies. Không may, đó là cookies làm từ cần sa (pot cookies hay marijuana cookies) và 2 giờ sau, cả đoàn tìm thấy Jerry O'Connell đang phê thuốc và khóc sướt mướt ở công viên.
+Mới đầu cái hồ mà bọn nhóc rơi xuống là một hồ nhân tạo do đoàn làm phim muốn lũ trẻ được an toàn, nhưng Corey Feldman đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng cái ao đó làm từ tháng 6 và đến khi quay cảnh đó thì đã là tháng 8 rồi nên trong suốt 3 tháng đó không biết trong hồ đã có những gì.
+Trong cảnh Chris ngồi buồn trước đốm lửa, Reiner đã từng không hài lòng và để River Phoenix diễn tốt hơn ông ấy bảo cậu hãy tưởng tượng cách mà người lớn tệ bạc với mình trong cuộc sống thật, rồi dùng nó vào cảnh quay.  Phoenix đã làm được, cậu rất buồn và khóc sướt mướt cho đến khi đạo diễn đến an ủi cậu. Đây cũng là cảnh quay trong bản phim hoàn chỉnh.
+Khi đang học lời thoại, Jerry O'Connell đã hết sức ngạc nhiên khi trong vai một đứa trẻ được phép chửi thề.
+Theo yêu cầu của đạo diễn Rob Steiner (một người rất ghét thuốc là và đấu tranh cho luật cấm hút thuốc ở California), thuốc lá của bọn trẻ hút trong phim đều làm từ là bắp cải.
+Trong cảnh phim được quay tại bãi phế liệu, Will Wheaton có thế chạy nhanh hơn River Phoenix nhưng theo kịch bản thì nhân vật của Will phải thua. Will Wheaton đã giả vờ chạy nhanh để River Phoenix có thể thắng.








Saturday, August 1, 2015

Ẩn Ý Của Prisoners (2013)

  [Chỉ đọc khi đã xem]

   Một bài viết về những ẩn ý trong bộ phim Prisoners (2013), bài này mình lấy của vigilantcitizen.com. Phim này đã có quá nhiều bài review nhưng phân tích sâu hơn vào vấn đề chính của phim thì chưa có bài nào tiếng Việt nên mình xin dịch lại cho mọi người có thể hiểu hết nội dung phim. Link bài gốc mình để ở dưới.

   Nội dung phim thì ai xem rồi cũng rõ, giờ thì đi sâu vào phân tích nhân vật:

Keller Dover, The Father


Mr. Dover đang rất, rất tức giận

   Là người đàn ông của gia đình, một con chiên ngoan đạo của Cơ Đốc Giáo, và cũng là người thuộc dạng "prepper" (1). Ông cũng là một người yêu nước điển hình, ta có thể thấy điều đó qua bài hát yêu thích của ông: Star Spangled Banner (2); dù không được thể hiện rõ trên phim nhưng ta vẫn có thể thấy qua bối cảnh phim rằng Keller có hồ sơ của một Đảng Tự Do hay có liên quan đến phong trào Tea Party (3). Những chỉ tiết này thực sự hữu ích, nó đóng vai trò quan trọng trong sự sa đà của Keller về sau.

Trong đoạn đầu của phim, Kellen Dover thì thầm cầu nguyện trước khi con trai ông ta bắn hạ con hươu. Điều này làm bộ phim gây khó chịu khi mà tôn giáo lại có liên quan tới một "con hươu vô tội".

Keller in biểu tượng Jesus Fishes lên xe (4), ông cũng treo thánh giá trên gương chiếu hậu. Và điều rõ ràng nhất cho thấy Keller rất sùng đạo đó là ông ta là thợ mộc (5).

   Một bằng chứng cho thấy Keller là "prepper" là lúc khi ông ta nói chuyện với con trai sau khi vừa đi săn xong:
"Hãy sẵn sàng. Bão tố, lũ lụt, hay kết cục là gì. Thức ăn sẽ không còn được chuyển tới của hàng tạp hóa. Nhiên liệu cạn kiệt. Mọi người trở mặt nhau. Bất ngờ là, đứng giữa con và cái chết chính là... bản thân con."
 Keller đã chuẩn bị rất chu đáo cho kho dự trữ dưới tầng hầm: thức ăn, dụng cụ, vũ khí, kể cả mặt nạ phòng độc.

   Mặc dù chẳng có gì sai trái hay bất hợp pháp khi dự trữ những thứ đó dưới tầng hầm nhưng ngay cả người thân Keller cũng thấy lạ, dường như Keller đang giấu giếm gì. Và khi thám tử Loki điều tra tầng hầm của Keller rồi phát hiện Keller là một "prepper", Keller liền trở thành kẻ tình nghi. Qua đó muốn truyền tải những loại người như vậy luôn là kẻ khả nghi và không đáng tin.

   Khi biết con gái bị bắt cóc, Keller trở nên cuồng dại. Qua diễn biến của phim, sự tuyệt vọng của Keller dần trở thành sự cuồng loạn, ông ta bắt cóc một gã mà ông ta tin đó là thủ phạm để tra tấn hỏi cung.

Keller bắt cóc Alex Jones, một gã quái đản, vì gã này dường như biết con gái ông ta đang ở đâu.

   Mặc dù hành động và ngoại hình của Alex Jones trông giống một kẻ thích ấu dâm nhưng ta biết rõ hắn không phải thủ phạm. Ngạc nhiên hơn, Alex Jones cũng bị bắt cóc khi còn nhỏ và cách cư xử của hắn là kết quả của những năm tháng bị điều khiển tâm trí, điều này đã làm suy giảm trí tuệ của Alex (hắn có chỉ số IQ chỉ bằng đứa trẻ 10 tuổi). Sự lựa chọn cái tên Alex Jones của biên kịch rất hay, vì đó cũng là tên của một radio host theo thuyết âm mưu của Mỹ, người thúc đẩy phong trào "prepper", với những hiến pháp và đường lối mà Keller Dover ủng hộ. Tuy nhiên, trong phim, Alex Jones là một gã thiểu năng và bị Keller đánh đập. Có phải đây là cách để tấy chay Alex Jones và những người theo ông ta?

Dù vụ việc có ra sao, thì việc bắt cóc và tra tấn Alex Jones của Keller cũng chỉ làm tổn thương một người đã bị tổn thương.

Sự giận dữ, điên cuồng ngày càng dữ dội; Keller tự làm một căn phòng tăm tối, không gian cực hẹp với hệ thống nước nóng để tra tấn Alex.
Phần còn lại của bộ phim, ta chỉ có thể nhìn thấy một con mắt của Alex (có lẽ để thể hiện việc Alex vĩnh viễn bị kiểm soát tâm trí), chỉ có một khe nhỏ để ánh sáng luồng vào.

   Thay vì cùng cơ quan chức năng tìm kiếm con gái và an ủi gia đình, Keller trút giận lên một người vô tội và tự biến mình thành một kẻ bắt cóc.

   Dù những hành động của Keller xuất phát từ lí dó cao cả, nhưng rõ ràng ông ta không phân biệt được ranh giới thiện và ác. Điều này được nhấn mạnh hơn nữa khi Keller cầu nguyện để tìm kiếm sức mạnh và đáp án cho câu hỏi của mình. Có một đoạn, khi đang tra tấn, Keller đọc lời cầu nguyện:
"Hãy tha thứ cho tội lỗi của con cũng như con đã tha thứ...".
   Ông ta dừng lại khi định nói "cho tội lỗi của họ". Điều này cho thấy ông ta không thể sống với đức tin của Chúa được nữa.

   Chung quy lại, Keller phản ứng với vụ việc con gái mình một cách rất bạo lực, ngoan cố nhắm vào một người vô tội. Thay vì an ủi người nhà hay tìm kiếm bằng chứng thực sự, Keller hành động theo bản năng của mình với sự thiếu hiểu biết và điên cuồng. Qua phản ứng của Keller với bi kịch của gia đình, bộ phim không ủng hộ quan điểm của những người “religious, patriotic, prepper” (sùng đạo, yêu nước, prepper). Do quá lo xa trong việc phòng tránh hiểm họa, Keller trở nên hoang tưởng, phi lí, và cuồng loạn. Ẩn sau lớp vỏ một người ngoan đạo, Keller "dự trữ" vô vàn sự giận dữ, căm ghét và thịnh nộ.

   May mắn thay, vị thám tử điều tra vụ án này lại trái ngược hẳn với Keller.

Thám Tử Loki

   Không như Keller Dover, Loki có lí trí, có phương pháp và không bao giờ lấn ra khỏi luật pháp. Anh ta xuất hiện không gắn với hình ảnh gia đình và được miêu tả như một kẻ cô độc chỉ có công việc mà thôi. Mặc dù luôn nhận những lời rủa sả của Keller nhưng Loki vẫn luôn tập trung vào nhiệm vụ của mình và đã cứu rất nhiều người trong bộ phim này.

   Loki, tên của một vị thần Bắc Âu, nổi tiếng vì sự gian xảo, nhạy bén, và đôi khi rất anh hùng. Ngoài ra, ông ta còn là một kẻ lừa gạt, hay trở mặt và hay đối đầu với những vị thần khác. Thám tử Loki có mang đặc điểm của vị thần mà mình được đặt tên? Những điều trên đại diện cho những điều đối nghịch về thần linh và sự sùng đạo Cơ Đốc của Keller Dover. Hơn nữa, Loki luôn dùng trí tuệ của mình để đạt được mục đích.

   Trong khi Keller dùng biểu tượng Jesus Fishes và thánh giá thì Loki lại dùng một biểu tượng bí ẩn.

Chiếc nhẫn của Hội Tam Điểm (6) của Loki luôn được nhìn thấy trong những cảnh thám tử Loki tìm kiếm manh mối hay phản ánh những sự việc đang xảy ra. Loki đại diện cho lí tưởng của Hội Tam Điểm: chân lí được tìm thấy bằng trí tuệ và công cụ của chính mình.
Trên tay phải của Loki lả những hình xăm chiêm tinh, có vai trò quan trong trong những sự việc huyền bí.
Trên cổ anh ta là hình xăm ngôi sao 8 cánh. Biểu tượng này là "ngôi sao của Ishtar", một vị thần Babylon có liên hệ với sao Kim.

   Chung quy, Loki là người rất có lí trí và rất minh bạch, điều này đã được những hội kín mà anh theo chứng minh. Tình cách của Loki đối nghịch với Keller: phi lí và hành động theo bản năng.

   Qua những biểu tượng liên hệ với tính cách của Keller và Loki, bộ phim đã lên án tôn giáo "prepper" và tôn vinh những thành viên của Hội Kín. Nhưng Keller không phải là đại diện tiêu cực của Cơ Đốc Giáo duy nhất trong bộ phim. Khi đã điều tra gần hết những tên tội phạm tình dục trong khu vực, thám tử Loki ghé nơi cuối cùng để điều tra mộ linh mục.. và nhận thấy ông ta đã say xỉn. Sau đó, Loki tìm thấy một xác chết dưới tầng hầm (mặc dù đó là xác của một tên bắt cóc trẻ em).

   Prisoners còn có một đại diện tồi tệ khác của Cơ Đốc Giáo, đó là Holly Jones, Kẻ Bắt Cóc.

Holly Jones, kẻ bắt cóc trẻ em, điều khiển người khác và chống đối Chúa trời
Holly Jones đang đứng cạnh một bức họa châm biếm về một thiên thần đang nhìn 2 đứa trẻ.

   Đến cuối phim, ta nhận ra rằng Holly Jones ("dì" của Alex Jones) là người đã bắt cóc 2 bé gái. Bà ta nói rằng mình và người chồng quá cố của mình đã từng rất sùng đạo Cơ Đốc vì thế họ thường lái xe để "truyền những lời tốt đẹp" (có lẽ là truyền đạo). Tuy nhiên, từ khi họ mất con do ung thư, họ quay mặt với Chúa. Holly nói với Keller:

"Bắt cóc trẻ em là cuộc chiến chống lại Chúa. Làm con người mất đi niềm tin. Khiến họ trở thành quỷ dữ như mày".

   Từ đó ta có thể thấy rõ cách làm việc của vợ chồng Jones, chúng ta biết được rằng họ sử dụng phương pháp điều khiển tâm trí cơ bản lên bọn trẻ: Chúng thuốc bọn trẻ, làm tổn thương tinh thần bọn trẻ bằng cách quăng bọn trẻ vào một cái hố tăm tối và hoàn thành trò chơi mê cung điên loạn. Điều này được chứng minh bởi một biểu tượng quan trọng duy nhất: Mê cung.

Mê Cung

Thám tử Loki nhìn thấy một bức hình mà người chồng quá cố của Holly Jones đang đeo mặt dây chuyền mê cung.
   Biểu tượng mê cung vô cùng quan trọng xuyên suốt bộ phim. Nó đại diện cho đường dây bắt cóc trẻ em và quan trọng hơn bọn trẻ luôn bị kiểm soát tâm trí.

Trên quyển sách này có ghi "Hoàn thành tất cả mê cung thì bọn bây sẽ được về nhà". Điều này làm rối tâm trí của bọn trẻ.
   Sau những ngày bị tra tấn, cuối cùng Alex Jones cũng nói với Keller: "Tôi không phải là Alex Jones", có nghĩa là cậu ta bị Holly bắt cóc sau đó bà ta cho cậu một nhân dạng khác. Khi Keller hỏi Alex bọn trẻ ở đâu, Alex trả lời: "Chúng ở trong mê cung, ông có thể tìm chúng ở đó". Dĩ nhiên, Alex không nói đến một mê cung thực sự mà đang nói về việc bị kiểm soát tâm trí mà bọn trẻ đang gặp.

   Sau đó, Loki tìm thấy một kẻ tình nghi là Bod Taylor, một người có những hành vi kì quái và cũng là một nạn nhân khác của Holly Jones. Hắn bị bắt ở nhà 3 tuần và bị thuốc bằng một ly cocktail đã pha LSD/Ketamine, một biện pháp điều khiển tâm trí cổ điển. Bob lên kế hoạch trốn khỏi căn nhà, nhưng dù thể xác đang tự do nhưng tâm trí thì không. Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng Bob vẫn đang "kẹt trong mê cung".

Căn nhà của Bob được bao phủ đầy những mê cung bất tận.

Khi đang bị cảnh sát hỏi cung, Bob vẽ những mê cung một cách đầy ám ảnh, thứ mà hắn khẳng định là "bản đồ" để bắt cóc những đứa trẻ.

   Dù những "bản đồ" của Bob không thực sự hướng tới vị trí hữu hình của bọn trẻ, nhưng chúng hướng tới tình trạng tâm lí bọn trẻ: Bị mắc kẹt trong những mê cung. Trong thuật điều khiển tâm trí thực sự, mê cung là thủ thuật rất quan trọng, thể hiện tình trạng tâm trí của nạn nhân. "Bản đồ mê cung" được tạo ra để tiến vào thế giới bên trong của nạn nhân để làm họ không thể kết nối với tính cách thật của họ.

   Bob cố gắng giúp cảnh sát, nhưng tâm trí hắn không cho phép hắn tiết lộ thông tin. Khi Loki dần đạt sự tích cực trong việc tra hỏi và yêu cầu Bob câu trả lời cụ thể, hắn nói: "Tôi không thể...". và tự sát. Những nạn nhân bị kiểm soát đã bị lập trình sẽ tự sát khi gặp tình huống như thế này.

   Khi Loki khám xét nhà Bob, anh phát hiện ra Bob hoàn toàn bị ám ảnh bởi kẻ bắt cóc và chiến thuật của chúng (hắn dựng lại vụ bắt cóc trẻ em và có sở thích dùng núm vú cao su). Khi lục soát đồ đạc của Bob, Loki tìm thấy một quyển sách viết về cặp Jones.

Tại nhà Bob, Loki tìm thấy một quyển sách có tựa “Finding the Invisible Man” được viết bởi một cựu đặc vụ FBI.

   Theo những đồng nghiệp của Loki, quyển sách này nói về "thuyết tội phạm gây nên hàng loạt vụ bắt cóc trẻ em". Anh ta cho biết thêm rằng quyển sách này "hoàn toàn không có uy tín". Trang cuối của quyển sách là hình một mê cung không thể giải được, đã được cặp Jones dùng để kiểm soát bọn trẻ.

   Dù quyển sách đã mất uy tín, nhưng “The Invisible Man” là hình ảnh để miêu tả cặp Jones cùng cách thủ ác của chúng. Tuy nhiên, có thể thắc mắc rằng: Liệu cặp Jones có đang làm việc cho một thế lực to lớn hơn? “The Invisible Man”có phải là một hệ thống siêu cấp của những thế lực bí ẩn? Có phải việc quyển sách mất uy tín là do những thế lực to lớn đã làm?

   Cho dù vụ án có ra sao thì bộ phim vẫn có một kết thúc "có hậu": Bọn trẻ đã được cứu và trở về với gia đình. Vậy ai là tù nhân thực sự?

The Prisoner

   Tìm kiếm con gái trong sự điên cuồng đã dẫn Keller đến với việc bắt cóc và tra tấn Alex Jones, Keller đang xê xích ranh giới giữa thiện và ác. Ông ta biện hộ cho việc làm của mình bằng cách khẳng định:

"Nó không còn là một con người nữa. Nó đã không còn là người khi bắt cóc con gái của chúng ta".

   Việc này làm Keller dần mất tính người, làm ông ta dần trở thành đồng loại của những kẻ bắt cóc. Và ông ta đã trở thành một trong số chúng.

   Sau đó, khi Keller nhận ra con gái mình đang ở nhà Holly Jones, ông tức tốc tới đó để tra tấn bà ta. Tuy nhiên, Holly có một khẩu súng và buộc Keller phải nhảy vào cái hố.
Thay vì cứu con gái thì Keller bị quẳng xuống cái hố mà con gái mình từng bị giam cầm.

Vì vậy, Keller đã tự biến mình thành tù nhân. Sau một loạt sự khổ ải về đạo đức, khoảnh khắc mà Keller trong hố đã thể hiện cái chết về mặt tinh thần của Keller, và điều này có thể so sánh với 3 ngày trong mộ của Chúa trước khi được phục sinh (5). Trong những giáo phái bí ẩn cổ xưa, những ứng viên được lựa chọn bị giam trong bóng tối trong vài ngày để thể hiện cái chết của "bản chất cũ" trong họ, trước khi được "hồi sinh tinh thần".

Trong khi điều tra căn nhà của Holly, Loki nghe tiếng Keller thổi tu huýt. Đó cũng là kết thúc của bộ phim. 
   Hãy đoán xem ai sẽ là người cứu Keller ra khỏi đó? Thám tử Loki. Theo một ý nghĩa nào đó, Loki chính là cứu tinh của Keller, người sẽ giải thoát ông ta khỏi cái chết tinh thần và tiến tới một cuộc sống mới. Loki, đại diện của Hội Tam Điểm, được miêu tả là một người đã kéo Keller cùng với sự phi lí và đạo đức giả của ông ta ra khỏi địa ngục mà ông ta đã dấn thân vào.

   Dù Loki đã cứu mạng ông ta, Keller vẫn phải vào tù vì những tội ác mà mình gây ra. Cuối cùng, chỉ có một tù nhân thực sự trong cả bộ phim: Keller Dover.

Kết Luận

   Qua tính cách của Keller Dover và Thám tử Loki, Prisoners đã nêu lên những thực trạng của xã hội, đặt chúng vào những mặt tích cực và tiêu cực. Keller là một người đàn ông của gia đình, một người sùng đạo, yêu nước và chuẩn bị trước cho thảm họa. Lúc đầu, ông xuất hiện như là một người hùng của phim, nhưng sau đó dần trở nên thay đổi trở thành một "kẻ xấu". Những sự việc dồn dập đã bắt đầu đầu đọc ông ta và biến ông tra trở thành một người phi lí, tàn bạo và hoang tưởng. Vị cứu tinh của ông ta là thám tử Loki, một nhân vật được bao phủ toàn dấu hiệu của Hội Kín, điều này đã nói lên rằng Hội Kín chính là một luồng sáng dẫn lối thực sự. Sự giác ngộ của Loki đã trao cho Keller cơ hội được sống lần nữa.

   Cách dẫn dắt và giải quyết các nhân vật của Prisoners phản ánh sự bóp méo của các phương tiện truyền thông ngày nay. Keller Dover đại diện cho người súng đạo, ái quốc và lo xa cho thảm họa, thường bị coi là đáng nghi và dễ bị tác động tiêu cực. Những điều trên hiện đang ngày càng được tán thành bởi truyền thông. Nhưng liệu những điều này có được tán thành tại Mỹ trong trật tự thế giới mới? Tại nước Mỹ, những quyền cơ bản và sự tự do đang dần bị thu hồi, những người như Keller Dover nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Và họ không muốn điều đó. Có lẽ đó là lí do Bộ An Ninh Nội Địa làm những video diễn tập miêu tả những người yêu nước thái quá như những phần tử khủng bố. Có lẽ họ đang tìm cách để biến những người như Keller trở thành những tù nhân.

   Chú thích:
(1) Những người lo xa thái quá khi chuẩn bị sẵn thức ăn, dụng cụ cho những thảm họa có thể xảy ra.
(2) Quốc ca Hoa Kỳ.
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_tr%C3%A0o_Ti%E1%BB%87c_tr%C3%A0
(4) https://chitto.wordpress.com/2009/06/05/bieu-tuong-hinh-con-ca-fish-symbol/
(5) Chúa Jesus từng là một thợ mộc.
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_Tam_%C4%90i%E1%BB%83m


Link bài gốc: http://vigilantcitizen.com/moviesandtv/esoteric-meaning-movie-prisoners/#prettyPhoto